Năm 2020, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành GD&ĐT thị xã Đông Triều đã có giải pháp chủ động, tích cực và sáng tạo trong việc hỗ trợ các cơ sở giáo dục triển khai hoạt động linh hoạt, an toàn, thích ứng với tình hình dịch bệnh để nâng cao chất lượng giáo dục. Đây cũng là một hướng đi tích cực, tạo môi trường và giải pháp tổ chức hoạt động linh hoạt cho việc học tập của người học từ xa, xây dựng xã học tập, học tập suốt đời .
Bối cảnh và vấn đề cần giải quyết
Với mạng lưới và quy mô phát triển giáo dục lớn (82 trường học mầm non và phổ thông, 02 TT GDNN- GDTX, 21 TT HTCĐ), trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp (thời điểm cuối năm học 2019-2020) học sinh phải linh hoạt chuyển từ trạng thái học trực tiếp sang hình thức học trực tuyến đã đặt ra thách thức vô cùng lớn: không có một nền tảng, một hệ thống thiết bị, hệ thống mạng internet nào có thể đáp ứng nhu cầu học tập trực tuyến rất lớn như vậy trong cùng một thời điểm và chưa có sự chuẩn bị về hạ tầng cơ sở vật chất, thiết bị, đặc biệt là hình thức, phương pháp và cách thức để tương tác hai chiều giữa người dạy và người học qua các hệ thống trên.
Từ nhu cầu cấp thiết đó, Phòng GD&ĐT thị xã Đông Triều đã nghiên cứu, tổ chức triển khai hiệu quả giải pháp “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật các nền tảng mạng xã hội cho tổ chức dạy học trực tuyến đa kênh tương tác tại thị xã Đông Triều”. Giải pháp đã ứng dụng, khai thác, vận hành sử dụng kết hợp nhiều nền tảng mạng xã hội như :
Facebook Fanpage DDCI Đông Triều. (https://www.facebook.com/ddcidongtrieu/live/); Youtube: kênh ĐTV Đông Triều (https://www.youtube.com/DTVdongtrieu) và cổng thông tin của ngành GD&ĐT thị xã (https://dongtrieu.edu.vn/truyen-hinh-truc-tuyen), Zalo, Google (hệ thống email miền @dongtrieu.edu,vn).
Công tác chuẩn bị cho một chương trình dạy học trực tuyến
Như chúng ta đã biết, Facebook là mạng xã hội lớn và phổ biến nhất thế giới cũng như tại Việt Nam. Ưu điểm của nền tảng này chính là sự tương tác nhanh, mạnh mẽ và gần như không giới hạn. Giải pháp đã ứng dụng tính năng phát trực tiếp (livetreams) rất mạnh mẽ của Facebook để truyền trực tiếp các bài giảng. Người học dễ dàng tiếp cận bài giảng, chia sẻ và bình luận, trả lời, đặt câu hỏi ngay trong khi xem trực tiếp bài giảng. Bên cạnh đó, giải pháp đã ứng dụng nền tảng chia sẻ, phát trực tiếp video lớn nhất thế giới là Youtube. Các bài giảng được phát trực tiếp trên kênh youtube Đông Triều ĐTV của ngành giáo dục thị xã. Tính năng mạnh mẽ của Youtube giúp các bài giảng không bị gián đoạn, hình ảnh và âm thanh được tối ưu tạo cho người học cảm giác liên tục, không bị gián đoạn trong quá trình theo dõi. Cả 2 nền tảng là Facebook và Youtube đều có tính năng lưu lại các chương trình, các video bài giảng và cho xem lại bất kì lúc nào rất dễ dàng. Đây là một ưu điểm rất lớn phục vụ cho công tác tạo nguồn dữ liệu học tập, giúp tăng khả năng tự học và học tập suốt đời.
Cô giáo Hà Thị Thanh Nhàn, Trường THCS Mạo Khê I hướng dẫn ôn tập trực tuyến chuyên đề căn bậc hai, căn bậc ba tại Phòng GD& ĐT thị xã.
Cùng với đó, giải pháp đã ứng dụng nền tảng Zalo, một nền tảng tương tác qua tin nhắn được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam. Người học dễ dàng truy cập nhóm Zalo của môn học, lớp học để tương tác, đặt câu hỏi và nhận câu trả lời từ giáo viên hoặc ban cố vấn của chương trình thông qua tin nhắn, hình ảnh và video được gửi trên các nhóm này.
Mục tiêu triển khai giải pháp trên là: (1) tổ chức các chương trình dạy học trực tuyến được phát đều đặn trên các nền tảng mạng xã hội. Cùng với đó đã tiến hành kiểm tra, đánh giá học sinh qua các câu hỏi, bài tập được phản hồi trực tiếp trên chương trình; (2) sử dụng linh hoạt trong công tác tổ chức các chương trình tập huấn, hội nghị, hội thảo trực tuyến trên quy mô lớn mang lại hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid–19; (3) trong các buổi truyền trực tiếp, toàn bộ nội dung của chương trình đều được lưu trữ trên các nền tảng mạng xã hội nhằm mục đích làm tư liệu để phát lại, khai thác, sử dụng trong thời gian dài đối với quá trình tự học, tự bồi dưỡng của người học, bổ sung vào kho tư liệu số của ngành GD&ĐT thị xã. Các chương trình này có thể được chia sẻ cho các đơn vị, các thư viện số sử dụng làm tài liệu ôn tập tham khảo và phục vụ cho học tập từ xa, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.
Giải pháp đã phát huy tối đa các tính năng của các nguồn thiết bị (đầu, cuối), hệ thống thiết bị thông minh cầm tay như smartphone, máy tính bảng…, và các điều kiện thiết yếu để dạy học trực tuyến của người dạy và người học. Đặc biệt là khi triển khai giải pháp không phải tập huấn kỹ thuật, kỹ năng khai thác, sử dụng, vận hành các hệ thống phần mềm và phần cứng, chỉ cần thống nhất quy trình thực hiện giải pháp là giáo viên và học sinh tương tác được ngay. Sự thuận tiện khi tham gia học tập trên các nền tảng mạng xã hội giúp người học chủ động, tích cực và lan tỏa, chia sẻ các nội dung học tập tới mọi người rất dễ dàng.
Sau khi triển khai giải pháp, tỉ lệ học sinh tham gia học trực tuyến đạt từ 90% trở lên, tỉ lệ học sinh có kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin từ khá trở lên đạt trên 96%, tỉ lệ học sinh tương tác tích cực với thầy cô, bạn bè khi học trực tuyến đạt trên 95%; 68% học sinh THCS và 73% học sinh Tiểu học tự đánh giá có tiến bộ qua các bài học trực tuyến; 88% học sinh Tiểu học và 94% học sinh THCS đánh giá học trực tuyến tương đối hiệu quả.
Từ việc triển khai Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật các nền tảng mạng xã hội cho tổ chức dạy học trực tuyến đa kênh tương tác tại thị xã Đông Triều có thể thấy sự kết hợp linh hoạt giữa các nền tảng mạng xã hội trên Interrnet, mạng viễn thông GSM và sóng vệ tinh; tận dụng tối đa các hình thức, phương thức mà người học (trong mọi điều kiện) có thể tiếp cận được ngay để thực hiện yêu cầu dạy và học cho toàn bộ học sinh trên địa bàn. Đồng thời, không phải: đầu tư, mua sắm trang cấp thiệt bị đầu, cuối hay không phải tập huấn sử dụng các phần mềm dạy học trực tuyến, kỹ thuật khai thác vận hành, sử sụng trang thiết bị đầu cuối; chỉ cần tổ chức thống nhất quy trình dạy và học trực tuyến bao gồm cả các chức năng tương tác hai chiều giữa học sinh và giáo viên, giữa giáo viên và phụ huynh học sinh.
Giải pháp rất có khả năng triển khai, nhân rộng tại tất cả các địa phương, các lĩnh vực, với quy mô lớn hoặc rất lớn do ưu điểm mạnh mẽ và rộng khắp của các nền tảng mạng xã hội. Đối với các lĩnh vực cần tổ chức các cuộc tập huấn, hội nghị, hội thảo với số lượng học viên lớn, tại nhiều địa phương khác nhau, tổ chức trong thời gian dài có thể ứng dụng ngay giải pháp này. Việc phổ biến rộng rãi của các mạng xã hội cũng giúp lan tỏa, phổ biến, chia sẻ kiến thức, hướng dẫn quy trình, cách làm hay của các ngành nghề, lĩnh vực khác không chỉ riêng giáo dục.
Hy vọng, giải pháp không chỉ đáp ứng yêu cầu cấp thiết của việc chuyển trạng thái dạy và học trong thời gian chống dịch Covid-19. Trong thời gian tới giải pháp sẽ là lựa chọn để tổ chức dạy và học trong điều kiện bình thường và được nhân rộng nhằm đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục, tạo hướng đi cho các Trung tâm GDTX, Trung tâm HTCĐ thực hiện chuyển đổi số để tổ chức các hoạt động phục vụ học tập suốt đời, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập./.
Tổng hợp