Nhiều mục tiêu mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an trong lộ trình triển khai Đề án 06 của Chính phủ, ứng dụng VNeID đã được Bộ Công an hoàn thành vượt tiến độ. Những tiện ích số được tích hợp ngày càng nhiều trên nền tảng VNeID góp phần phục vụ phát triển công dân số, xã hội số, Chính phủ số hiện nay.
Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, Thư ký Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ thông tin: Mục tiêu đề ra tại các nghị quyết, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lộ trình Đề án 06 là đến năm 2025, Bộ Công an phải cấp 40 triệu tài khoản định danh điện tử (VNeID) cho công dân. Đến hết tháng 12/2023, Bộ Công an phải triển khai 10 tiện ích trên VNeID; các giao dịch của công dân số được định danh, ký số, xác thực; 50% dân số có tài khoản thanh toán điện tử; 80% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh; cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ thương mại phục vụ tiện ích số của công dân trên ứng dụng định danh điện tử...
Đối chiếu với những chỉ tiêu, yêu cầu trên, cho tới thời điểm hiện tại, 100% công dân đã được cấp số định danh cá nhân. Bộ Công an đã cấp trên 84,7 triệu thẻ CCCD gắn chíp cho 100% công dân có đủ điều kiện trên địa bàn toàn quốc (hoàn thành trước ngày 31/7/2023). Bộ Công an đã thu nhận trên 70,2 triệu hồ sơ định danh điện tử, vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao, kích hoạt trên 49,7 triệu tài khoản định danh điện tử, tỷ lệ kích hoạt trên tổng số hồ sơ thu nhận đạt 69,25%. Có 42 địa phương đã hoàn thành cấp tài khoản định danh điện tử và có tỷ lệ kích hoạt tài khoản định danh điện tử cao nhất cả nước. Hiện tại có 2,8 triệu chữ ký số thường xuyên được sử dụng.
Nhiều ứng dụng từ CCCD, VNeID được Bộ Công an phát triển nhằm phục vụ người dân trong Đề án 06.
Đáng chú ý, Bộ Công an đã hoàn thành, vượt chỉ tiêu triển khai 10 tiện ích trên VNeID, một số tiện ích đã mang lại giá trị, như: Đã tích hợp, sử dụng tài khoản định danh điện tử đăng nhập Cổng dịch vụ công Quốc gia với trung bình 15.312 lượt sử dụng tài khoản định danh điện tử đăng nhập/ngày, giúp người dân khắc phục tình trạng công dân không có số điện thoại chính chủ để tạo tài khoản đăng nhập, sử dụng dịch vụ công. Tích hợp 169,5 triệu thông tin mũi tiêm COVID-19 với tài khoản định danh điện tử. Kết quả trên đã giúp người dân không phải mang giấy chứng nhận đã tiêm vaccine khi tham gia giao thông trong năm 2022.
Triển khai dịch vụ công thông báo lưu trú trên tài khoản định danh điện tử với 1,1 triệu lượt, giúp người dân không phải đến cơ quan Công an để thực hiện khai báo lưu trú. Tích hợp thẻ CCCD trên tài khoản định danh điện tử, qua đó giúp người dân không phải mang theo nhiều giấy tờ, sử dụng tài khoản định danh điện tử làm thủ tục tại 22 cảng hàng không nội địa mà không cần xuất trình thẻ CCCD gắn chíp. Tích hợp thông tin cư trú của công dân, gồm thông tin hành chính của chủ hộ và các thành viên khác trong hộ gia đình lên tài khoản định danh điện tử, là giải pháp thay thế sổ hộ khẩu giấy. Triển khai tiện ích kiến nghị, phản ánh về ANTT trên tài khoản định danh điện tử. Thống kê, đã có 5.974 kiến nghị phản ánh từ người dân, tạo thuận tiện cho người dân trong việc phản ánh về tình hình ANTT mà không phải đến cơ quan Công an, góp phần giúp phòng ngừa hiệu quả tội phạm từ sớm, từ xa.
VNeID cũng được ứng dụng trong triển khai tuyên truyền, cảnh báo tội phạm trên tài khoản định danh điện tử với các nội dung cảnh báo thủ đoạn giả danh các cơ quan Công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trung bình có 7,764 lượt truy cập/ngày, giúp người dân kịp thời nắm bắt thông tin mọi lúc, mọi nơi. Đối với nội dung tích hợp ví điện tử lên tài khoản định danh điện tử, Bộ Công an đã tiến hành tích hợp xong với một số đối tác giúp người dân có thể thanh toán trên ví điện tử với các dịch vụ thiết yếu như: Thanh toán điện, nước, truyền hình, Internet, nạp tiền điện thoại....
Cùng với đó, VNeID cũng được tích hợp 2,2 triệu dữ liệu đăng ký phương tiện, 10,2 triệu dữ liệu giấy phép lái xe, 148.537 dữ liệu thông tin bảo hiểm xã hội, 16,8 triệu dữ liệu thông tin bảo hiểm y tế trên tài khoản định danh điện tử góp phần phục vụ người dân hiệu quả hơn trong các giao dịch xã hội.
Hiện, Bộ Công an đang phối hợp hỗ trợ Bộ Y tế, UBND TP Hà Nội tập trung triển khai các tiện ích khác trên tài khoản định danh điện tử, như: Sổ sức khỏe điện tử để thí điểm tại TP Hà Nội; cấp phiếu lý lịch tư pháp triển khai thí điểm tại tỉnh Thừa Thiên Huế trong tháng 1/2024; nghiên cứu triển khai nộp phạt vi phạm giao thông thuộc thẩm quyền của thanh tra giao thông trên tài khoản định danh điện tử; sổ bảo hiểm xã hội để phục vụ người dân sử dụng thay giấy tờ....
Theo lộ trình của Đề án 06, 100% dữ liệu công dân được cấp số định danh, hoàn thành kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã có để "làm sạch" bảo đảm giải quyết các thủ tục phục vụ công dân chính xác và thuận lợi. Đối với bộ, ngành đang triển khai, xây dựng cơ sở dữ liệu cần trao đổi, thống nhất với Bộ Công an trong việc triển khai, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để triển khai bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. Năm 2023 và các năm tiếp theo phải bảo đảm tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương bảo đảm thông suốt, hoạt động hiệu quả.
Đến nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an đã kết nối với 15 bộ, ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước, 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương. Tiếp nhận trên 1,3 tỷ yêu cầu để tra cứu, xác thực thông tin phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính và làm sạch dữ liệu, tiết kiệm trên 500 tỷ đồng cho các bộ, ngành, địa phương, đồng thời đồng bộ trên 537 triệu thông tin.
Để phát triển công dân số, xã hội số và Chính phủ số, thời gian qua Bộ Công an đã hỗ trợ 20 địa phương triển khai giải pháp số hoá dữ liệu hộ tịch điện tử trên nền tảng dữ liệu quốc gia về dân cư. Riêng việc triển khai giải pháp này tại tỉnh Thái nguyên đã số hóa được được 1,1 triệu bản ghi dữ liệu hộ tịch, đạt 100%, giảm thời gian thực hiện từ 3 năm xuống 50 ngày, tiết kiệm được 18 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2023, Bộ Công an đang hỗ trợ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về hạ tầng để cài đặt và vận hành phần mềm quản lý cán bộ, hội viên. Bộ Công an đã hỗ trợ các tổ chức, đoàn thể thu thập dữ liệu, quản lý đoàn viên, hội viên trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thu thập, cập nhật thông tin 5,1 triệu dữ liệu hội viên Hội Nông dân; 1,9 triệu thông tin hội viên Hội Người cao tuổi; 1,8 triệu thông tin của Hội Cựu chiến binh. Hoàn thành phần mềm hỗ trợ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thu thập, cập nhật, phát triển Cơ sở dữ liệu về lao động - việc làm gắn với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đến nay, đã có 57/63 địa phương thực hiện cập nhật 9,4 triệu thông tin người lao động vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, góp phần phục vụ an sinh xã hội đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán 2024 sắp tới.
Theo CAND