Mục đích của việc triển khai nền tảng cửa khẩu số là quản lý tổng thể và toàn diện hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu dựa trên công nghệ số, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo, cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu tốt hơn.
Mục đích, vấn đề cần giải quyết
Tỉnh Lạng Sơn có 231 km đường biên giới, trên địa bàn 21 xã, thị trấn trên địa bàn 5 huyện: Tràng Định, Văn Lãng, Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập; có 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu song phương. Kinh tế cửa khẩu có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn, năm 2021 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh ước đạt 4.270 triệu USD (trong đó xuất khẩu 1.370 triệu USD, nhập khẩu 2.900 triệu USD). Tỉnh Lạng Sơn đặt mục tiêu phát triển nhanh, bền vững kinh tế cửa khẩu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn 2021-2025, tạo môi trường thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa thuận lợi. Công tác quản lý các hoạt động tại cửa khẩu của các lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ trên cửa khẩu gồm: Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn; Cục Hải quan Lạng Sơn; Bộ Chỉ huy Bội đội Biên phòng; Sở Y tế; Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lạng Sơn; Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7; Cục Thuế tỉnh đều sử dụng phần mềm khác nhau, máy chủ đặt ở các đơn vị dẫn đến áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin bị phân mảnh, không đồng nhất. Toàn bộ cơ sở dữ liệu của các cơ quan, đơn vị bị phân tách và không liên thông được với cơ sở dữ liệu quốc gia. Mục đích của việc triển khai nền tảng cửa khẩu số là quản lý tổng thể và toàn diện hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu dựa trên công nghệ số, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo, cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu tốt hơn. Những ưu điểm nổi bật của nền tảng cửa khẩu số: + Áp dụng các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, cơ sở dữ liệu tập trung, kết nối liên thông chia sẻ dữ liệu. + Tự động hóa quy trình, giảm thiểu thời gian cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, công khai, minh bạch, tránh ùn tắc hàng hóa và tiêu cực trong công tác quản lý, phục vụ doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tốt hơn. + Tăng cường công tác quản lý, giám sát của các cơ quan nhà nước, tạo kênh thông tin kết nối đa chiều giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu. + Các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp bến bãi cùng tham gia sử dụng một nền tảng số duy nhất. + Nền tảng cửa khẩu số được kết nối liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu ngành Hải Quan, cơ sở dữ liệu đăng kiểm Bộ Giao thông vận tải, các cổng thanh toán trực tuyến, để loại bỏ hoàn toàn việc kê khai thông tin thủ công trên giấy như trước đây. Lạng Sơn là tỉnh đầu tiên trong cả nước ứng dụng công nghệ số trong quản lý tổng thể và toàn diện hoạt động cửa khẩu. Sau khi hoàn thành giai đoạn triển khai thí điểm sẽ áp dụng cho tất cả cửa khẩu trong tỉnh và xem xét để nhân rộng áp dụng với cửa khẩu ở địa phương khác trong cả nước. Khả năng thông quan của các cửa khẩu tại Lạng Sơn khoảng 250 – 400 xe/ngày “Nếu không có dịch COVID - 19”, trong khi đó mỗi ngày lượng xe hàng đổ về cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn khoảng 450 xe/ngày.
Cách làm, hiệu quả mang lại
Để giải quyết bài toán xuất nhập khẩu tại tỉnh Lạng Sơn, UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn và các cơ quan liên quan xây dựng nền tảng cửa khẩu số để tự động hóa quy trình, giảm thời gian cho doanh nghiệp thông quan, giúp tăng cường công tác quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước, tạo kênh thông tin kết nối đa chiều giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý tại cửa khẩu.
Cùng với đó, nền tảng cửa khẩu số đi vào hoạt động cũng sẽ thay đổi quy trình để tăng cường khả năng tự động hóa, giảm thiểu tác động của con người trong các hoạt động tại cửa khẩu, ứng dụng công nghệ số hiện đại vào quản lý, sử dụng một nền tảng số duy nhất có độ ổn định cao. Đồng thời, đảm bảo an toàn thông tin, cung cấp dịch vụ số tốt nhất cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu dựa trên nền tảng cửa khẩu số. Đặc biệt, đây là ứng dụng đầu tiên của cả nước được thí điểm tại cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu Tân Thanh. Từ kết quả xây dựng nền tảng cửa khẩu số này, nhà quản lý có thể cung cấp các thông tin về phương tiện xuất nhập khẩu, tỉ trọng hàng hóa, điều tiết lượng phương tiện lên cửa khẩu, tăng năng lực thông quan, đồng thời có thể cung cấp cho nhà đầu tư “bức tranh” tổng quan về xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Hiện nay, ứng dụng nền tảng cửa khẩu số đã hoàn thành và tập huấn cho các lực lượng chức năng trên cửa khẩu và doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đang triển khải thí điểm tại cửa khẩu Hữu Nghị và được cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu rất ủng hộ. Để triển khai ứng dụng này, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các ngành, đơn vị kết nối dữ liệu với Tổng cục Hải quan, Cục Đăng kiểm để hoàn thiện nền tảng số và lưu trữ các thông tin. Chủ trì phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn và các cơ quan liên quan xây dựng Quyết định số 1941/QĐ-UBND ngày 29/9/2021 của UBND tỉnh về ban hành Quy định về quy trình sử dụng Nền tảng cửa khẩu số tỉnh Lạng Sơn.
Bài học rút ra
Sử dụng 01 nền tảng cửa khẩu số duy nhất để các lực lượng chức năng trên cửa khẩu, doanh nghiệp XNK thực hiện hoạt động XNK trên địa bàn tỉnh. Để chuyển đổi số thành công cần sự vào cuộc quyết liệt của người đứng đầu các cấp, các ngành, những chỗ khó khăn nhất phải tập trung chuyển đổi số trước tiên. Từ những khó khăn: Năng lực thông quan; năng lực bến bãi; dịch COVID-19… đã tạo cơ hội chuyển đổi số cửa khẩu. Bỏ cách làm cũ, truyền thống, chấp nhận thay đổi cách làm mới, toàn bộ quy trình đều thực hiện trên môi trường số.
Theo t63.mic.gov.vn
https://t63.mic.gov.vn/vi/nen-tang-cua-khau-so-chuyen-doi-so-tong-the-va-toan-dien-cac-hoat-dong-xuat-nhap-khau-qua-cua-khau.html