Hòa nhập trong xu thế chung, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đã ưu tiên chăm lo công tác chuyển đổi số để tạo tiền đề xây dựng, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Sản phẩm nước mắm Tâm Loan được quảng bá rộng rãi, góp phần mở rộng thị trường, tăng mức tiêu thụ.
Trong hành trình lan tỏa thương hiệu, mở rộng thị trường, phát triển sản xuất, chị Nguyễn Thị Tâm ở TDP Xuân Hải (thị trấn Lộc Hà) đã tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm nước mắm Tâm Loan để đạt chuẩn OCOP 3 sao gắn với ứng dụng công nghệ số. Hơn 2 năm gần đây, nước mắm Tâm Loan không chỉ được bán theo phương thức truyền thống tại nhà, ki-ốt, cửa hàng mà đã được lên sàn thương mại điện tử, bán hàng qua facebook, zalo...
Chị Nguyễn Thị Tâm cho biết: “Nhờ ứng dụng chuyển đổi số, tăng cường bán hàng trực tuyến, thực hiện thanh toán điện tử nên sản lượng tiêu thụ và doanh thu của cơ sở ngày càng tăng. Nếu trước năm 2021, mỗi năm, chúng tôi sử dụng 20 tấn nguyên liệu (cá cơm tươi), sản xuất và tiêu thụ 8.500 lít nước mắm, doanh thu 1,1 tỷ đồng, lợi nhuận 320 triệu đồng thì nay đã sản xuất và tiêu thụ được 11.500 lít/năm, doanh thu hơn 1,5 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 400 triệu đồng...”.
Quét mã QR, thanh toán không tiền mặt đã khá quen thuộc tại các khu chợ quê ở Lộc Hà.
Với mục tiêu hướng tới nền kinh tế số, ngoài việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ thông tin vào sản xuất, các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở Lộc Hà đang ngày càng chú trọng đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Người sản xuất, tiểu thương cũng đã được tham gia các lớp tập huấn, giúp từng bước tiếp cận khoa học - công nghệ để xây dựng các mô hình sản xuất công nghệ cao, biết cách quảng bá và tiêu thụ sản phẩm trên không gian mạng, kinh doanh trên nền tảng số, có kiến thức phòng ngừa lừa đảo...
Trong môi trường công nghệ 4.0, người dân Lộc Hà đã dần hình thành thói quen hạn chế sử dụng tiền mặt, tăng cường thanh toán trực tuyến. Các dịch vụ như: Viettel Money, VNPT Money (của các nhà mạng di động), EVNNPC CSKH (điện lực), SMS bankinh, Agribank E-mobile banking, Internet banking (của các ngân hàng)... người dân đã dần quen thuộc và sử dụng rộng rãi.
Chị Nguyễn Thị Hoa (tiểu thương ở xã Thạch Châu) chia sẻ: “Để tiện lợi cho việc buôn bán hoa quả, rau củ ở chợ, tôi đã chuẩn bị sẵn mã QR trên sạp hàng để khách quét thanh toán. Ngoài ra, trong điện thoại của tôi còn cài đặt nhiều ứng dụng tiện ích khác như: trả tiền điện, tiền nước, E-Mobile Banking các ngân hàng, thẻ bảo hiểm, định danh điện tử... rất thuận lợi trong buôn bán, giao dịch, sinh hoạt”.
Nhân viên Viettel hỗ trợ người dân xã Bình An cài đặt các phần mềm tiện ích của các nhà mạng để tiện lợi thanh toán cước phí, hỗ trợ chăm sóc khách hàng...
Cùng với hướng tới nền kinh tế số, Lộc Hà đang nỗ lực để từng bước xây dựng xã hội số. Theo đó, đến nay, toàn huyện đã tiến hành cấp nhật mã định danh cá nhân cho 21.400 trẻ em, cập nhật căn cước công dân cho 5.780/5.801 đối tượng bảo trợ xã hội, 7.663 nhân khẩu thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, 1.300/1.722 người có công, 24.000/32.063 người lao động lên hệ thống phần mềm dân cư quốc gia.
Công an huyện cũng đã tổ chức thu nhận, cấp 75.887 hồ sơ cấp thẻ CCCD gắn chip điện tử, tiếp nhận và cấp 49.721 hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2, phối hợp hướng dẫn người dân cài đặt, tích hợp (đăng ký xe, giấy phép lái xe, bảo hiểm, mã số thuế...) và kích hoạt 43.156 tài khoản định danh điện tử.
Cán bộ, công chức xã Thạch Mỹ hỗ trợ công dân tích hợp đăng ký xe, giấy phép lái xe, bảo hiểm, mã số thuế...vào tài khoản định danh điện tử.
Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lộc Hà Nguyễn Thị Phương Loan cho biết: “Lộc Hà đang nỗ lực thực hiện quá trình thay đổi môi trường sống, làm việc, quản lý, sản xuất, kinh doanh... từ truyền thống sang số hóa. Để từng bước đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến với thực tiễn cuộc sống, các cấp, ngành đã tập trung tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân để từng bước hình thành nhận thức số, xã hội số, công dân số. Ngoài ra, các địa phương cũng đã thành lập 12 ban chỉ đạo chuyển đổi số cấp xã và 92 tổ chuyển đổi số cộng đồng tại các thôn xóm, hiện đã đi vào hoạt động khá hiệu quả”.
"Đặc biệt, để xây dựng chính quyền số, trong giai đoạn 2021 – 2023 huyện Lộc Hà sẽ đầu tư khoảng 20 tỷ đồng phục vụ cho chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin. Các cấp, ngành luôn quan tâm xây dựng nguồn nhân lực số với 100% cán bộ, công chức, viên chức thành thạo về tin học và các phần mềm chuyên dụng. Ngoài ra, hiện nay ở Lộc Hà, 100% xã, thị trấn có hệ thống truyền hình kết nối trực tuyến với huyện, tỉnh, quốc gia; 100% văn bản đi, đến (trừ văn bản mật) được lưu trữ, xử lý trên phần mềm hồ sơ công việc; 100% văn bản được ký số khi gửi đi trên môi trường mạng...”, bà Nguyễn Thị Phương Loan thông tin thêm.
BBT tổng hợp