Xác định vai trò quan trọng của chuyển đổi số trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, kinh doanh; giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý, điều hành, thời gian qua, huyện Hương Khê đã tập trung các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác chuyển đổi số.
Kể từ khi Ban chỉ đạo Chuyển đổi số huyện Hương Khê chọn Thị trấn huyện tổ chức điểm ngày hội Chuyển đổi số vào cuối năm 2022, đến nay đã hoàn thành tổ chức Ngày hội chuyển đổi số ở tất cả các địa phương trong toàn huyện.
Đ/C Ngô Xuân Ninh, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ đạo Chuyển đổi số huyện kiểm tra công tác chuyển đổi số tại thị trấn huyện.
Là xã vùng sâu, vùng biên giới có đồng bào dân tộc Chứt sinh sống, điều kiện kinh tế, xã hội tại xã Hương Liên còn nhiều khó khăn. Đây là đơn vị cuối cùng trong huyện tổ chức ngày hội Chuyển đổi số, thu hút gần 500 người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tham gia.
Ông Đinh Văn Sánh, Chủ tịch UBND xã Hương Liên cho biết “Toàn xã hiện có trên 780 hộ, 2.400 nhân khẩu, trong đó có khoảng 1.800 người trong độ tuổi lao động. Trong số này chỉ có khoảng 60% người có điện thoại thông minh để cài đặt các ứng dụng, tiện ích phục vụ chuyển đổi số. Trong khi đó, hệ thống mạng iternet, Wifi chưa ổn định. Do vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào đời sống và thực hiện công tác chuyển đổi số gặp khó khăn hơn so với các địa phương khác”.
Bà con dân tộc Chứt tham gia chuyển đổi số...
Tuy nhiên, với sự quan tâm của các cấp, các ngành, cố gắng của địa phương; thông qua tổ chức Ngày hội Chuyển đổi số góp phần thực hiện hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử cho người dân xã Hương Liên. Đưa tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 được số hóa 100%; Tỷ lệ người dân nộp hồ sơ dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 đạt trên 70%, tăng gấp đôi so với quy định tiêu chí nông thôn mới; số người dân định danh điện tử mức độ 2 đạt 100%. Gần 90% đối tượng hưởng chế độ ưu đãi người có công, bảo trợ xã hội trên địa bàn xã Hương Liên đã có tài khoản ngân hàng để giao dịch.
Tham gia Ngày hội chuyển đổi số, người dân được cán bộ chuyên môn của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hướng dẫn đăng ký mở tài khoản dịch vụ công trực tuyến, hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến trên các cổng dịch vụ công; cài đặt hồ sơ sức khỏe điện tử, ví điện tử để trả lương cho đối tượng chính sách, hưu trí, mở tài khoản ngân hàng và hướng dẫn truy cập, giao dịch trên các sàn thương mại điện tử.
Ông Phạm Hồng Sơn, xã Hà Linh cho rằng “Việc tổ chức ngày hội Chuyển đổi số rất thiết thực, người dân được hướng dẫn, cài đặt, sử dụng các dịch vụ để giao dịch hàng ngày rất thuận lợi, đỡ tốn công sức, chi phí so với trước đây”.
Tại xã Hương Xuân...
Mặc dầu Ngày hội Chuyển đổi số ở huyện Hương Khê được các địa phương tổ chức vào những ngày nghỉ cuối tuần, nhưng các đơn vị, doanh nghiệp đã tích cực huy động lực lượng cán bộ, bố trí đầy đủ thiết bị để hỗ trợ người dân cài đặt các ứng dụng tiện ích cho cuộc sống trên các nền tảng công nghệ số.
Tại xã Hương Long...
Đến nay, 21 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Hương Khê đã tổ chức Ngày hội chuyển đổi số, thu hút gần 20 ngàn người tham gia. Tại các ngày hội đã có trên 29.000 lượt dịch vụ đăng ký thành công, phổ biến nhất là dịch vụ Hướng dẫn, cài đặt tạo tài khoản cho người dân trên công dịch vụ công quốc gia. Các tổ chức, doanh nghiệp đã hỗ trợ thực hiện gần 12 ngàn lượt dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các lĩnh vực thuộc: Ngân hàng, Điện lực, Bảo hiểm xã hội và thực hiện tích hợp định danh điện tử vào Căn cước công dân, lập tài khoản định danh điện tử cho công dân thuộc lĩnh vực Công an phụ trách được người dân quan tâm đăng ký cài đặt để thuận tiện trong giao dịch trên môi trường số hiện nay.
Huyện cũng đã tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, bố trí cán bộ chuyên môn Công nghệ thông tin đảm nhận các đầu mối tại Trung tâm Hành chính công và văn phòng các cơ quan, đơn vị. Nhờ đó, mặc dầu khó khăn về mọi mặt, đội ngũ cán bộ công chức còn thiếu so với chỉ tiêu biên chế, nhưng đến nay Hương Khê vẫn đang dẫn tốp đầu của tỉnh về tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến đạt mức cao với gần 89%.
Để đạt được kết quả đó, ngoài việc bám sát nội dung và triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của tỉnh, huyện đã thành lập các nhóm zalo của đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm soát thủ tục hành chính từ huyện đến cơ sở để trao đổi, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong quá hỗ trợ, tiếp nhận các hồ sơ nộp trực tuyến. Đồng thời, thường xuyên chỉ đạo sát sao, quán triệt tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ nhân dân cho đội ngũ cán bộ công chức trực tiếp làm việc tại Trung tâm Hành chính công huyện và bộ phận một cửa cấp xã; chú trọng việc hướng dẫn, hỗ trợ các kỹ năng, thao tác nộp hồ sơ trực tuyến để từng bước hình thành thói quen cho người dân đến giao dịch.
Ông Trần Quốc Bảo, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Ban chỉ đạo chuyển đổi số huyện khẳng định “Nhờ thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nên bước đầu Hương Khê đạt được một số kết quả quan trọng. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở dữ liệu số; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác chuyển đổi số và hoạt động tại Trung tâm Hành chính công huyện, bộ phận giao dịch một cửa tại các xã, thị trấn để giúp cho việc xử lý các hồ sơ của người dân đến giao dịch thuận lợi, đạt tỷ lệ cao”.
Những kết quả đạt được từ Ngày hội chuyển đổi số đã tạo thuận lợi cho người dân và nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp ở huyện Hương Khê. Đây là lần đầu tiên trên địa bàn huyện miền núi có một ngày hội được tổ chức quy mô tại tất cả các xã, thị trấn, thu hút đông đảo nhân dân, doanh nghiệp tham gia. Điều đó càng khẳng định, công cuộc chuyển đổi số là tất yếu và thiết thực trong đời sống của con người, xã hội hiện nay. Những nhiệm vụ, giải pháp đặt ra trong thời gian tới sẽ thúc đẩy tiến trình thực hiện chuyển đổi số đạt kết quả cao hơn, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân ngày càng tốt hơn.
BBT tổng hợp