Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng năm 2023 về chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số quốc gia năm 2022, theo đó Hà Tĩnh đã tăng 22 bậc so với năm 2021, lên thứ 37/63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương.
Trên cơ sở quan điểm chuyển đổi số là chìa khóa để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và toàn diện, mang tính đột phá và cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và toàn dân; Nghị Quyết số 05-NQ/TU, ngày 22/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, trong đó xác định rõ các lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số bao gồm: Tài nguyên và Môi trường; Công nghiệp, năng lượng; Thương mại; Giao thông vận tải và logistics; Nông nghiệp; Y tế; Giáo dục; Văn hóa và Du lịch; đặc biệt là ưu tiên chuyển đổi số trong các hoạt động phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Sau hơn 2 năm Nghị quyết 05-NQ/TU, Hà Tĩnh đã tổ chức thực hiện đồng bộ và khá hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra, cụ thể như đã ban hành Đề án chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2023; ban hành Khung kiến trúc Chính quyền điện tử phiên bản 2.0; ban hành bộ mã định danh điện tử của các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh; ban hành danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh; tổ chức triển khai thực hiện rất tốt Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; đồng thời triển khai ứng dụng hiệu quả các nền tảng dùng chung như LGSP, Cổng dịch vụ công trực tuyến, Hệ thống chỉ đạo và điều hành trực tuyến; đã kết nối đồng bộ, liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia do các Bộ ngành triển khai để phục vụ công tác quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; Hà Tĩnh cũng đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ Ngành để xin chủ trương, hướng dẫn để kịp thời đẩy mạnh chuyển đổi số trong từng lĩnh vực trên địa bàn tỉnh như Bộ Công An, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội vụ, Bộ tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông và Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội,… Kết quả là, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng năm 2023 về chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số quốc gia năm 2022, theo đó Hà Tĩnh đã tăng 22 bậc so với năm 2021, lên thứ 37/63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương.
Đây là kết quả đánh giá phản ánh rất khách quan, sát thực tiễn quá trình chỉ đạo, lãnh đạo của cấp uỷ chính quyền các cấp, sự tập trung tổ chức thực hiện và ghi nhận những kết quả đã đạt được về chuyển đổi số trên địa bàn Hà Tĩnh. Tuy nhiên, chuyển đổi số là vấn đề mới, chưa có tiền lệ, có vai trò và tác động lớn đối với quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, cần được thực hiện đồng bộ trên ba trụ cột đó là Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Vì vậy, chuyển đổi số đòi hỏi sự tham gia đồng thời của cả chính quyền các cấp, doanh nghiệp và mọi người dân và đòi hỏi quá trình liên tục và lâu dài, phải liên tục, lâu dài và kiên trì bám sát các mục tiêu và thường xuyên cập nhật các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả, đồng thời phù hợp với tình hình thực tiễn.
Mặc dù Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chỉ rõ mục tiêu, nhiệm vụ nhưng việc cụ thể hoá các mục tiêu và nhiệm vụ đó thành những bài toán chuyển đổi số tại mỗi ngành, mỗi địa phương bảo đảm tính đồng bộ, liên thông các cấp vẫn còn nhiều khó khăn.
Một là, để thực hiện đồng bộ trên cả ba nhóm trụ cột là Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số đòi hỏi bộ máy hành chính chuyên trách về chuyển đổi số cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã đủ về lực lượng, vững về chuyên môn và phải có tính thống nhất, tránh chồng chéo. Tuy nhiên, đến nay cơ quan chuyên môn, thường trực về chuyển đổi số cấp tỉnh là Sở Thông tin và Truyền thông, chỉ có 03 cán bộ chuyên môn liên quan thuộc phòng công nghệ thông tin và bưu chính viễn thông, cấp huyện chỉ có 01 cán bộ thuộc phòng Văn hoá – Thông tin và cấp xã có 01 cán bộ văn hoá xã kiêm nhiệm phụ trách về chuyển đổi số.
Hai là, phần lớn các hệ thống cơ sở dữ liệu của các ngành đã được xây dựng từ nhiều năm trước, quy mô nhỏ lẻ, quản lý độc lập phần tán, ít chia sẻ dùng chung, hiệu quả khai thác ứng dụng còn hạn chế. Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh quy mô nhỏ, chưa ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, chưa đủ năng lực quản lý tập trung các hệ thống cơ sở dữ liệu, các hệ thống thông tin của các sở, ban ngành và địa phương trong toàn tỉnh.
Ba là, Kinh tế số và Xã hội số phát triển chậm; một số mô hình về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số chưa có sự đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc. nhiều chuyển biến trong thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số; các quy định về thực hiện các dự án về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số còn chồng chéo, chưa bắt kịp với tốc độ phát triển, dẫn đến triển khai chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; việc đầu tư hệ thống, các giải pháp phục vụ an toàn thông tin (ATTT) theo cấp độ chưa được triển khai triệt để.
Bốn là, Chưa lan tỏa được hệ thống nhận thức, niềm tin và động lực chuyển đổi số trong xã hội. Phần lớn người dân và doanh nghiệp chưa tin dùng và chưa có thói quen khai thác Cổng thông tin điện tử, sử dụng các DVC trực tuyến toàn trình (hiện CBCC vẫn đang trực tiếp hỗ trợ việc sử dụng).
Vì vậy, trong những năm tới để tiếp tục đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động chuyển đổi số toàn diện và đồng bộ trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất, hiệu quả trong lao động sản xuất, phát triển nền hành chính hiện đại, thân thiện, minh bạch và kiến tạo; bộ máy hành chính nhà nước hiệu lực hiệu quả để tạo động lực thúc đấy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhà, cần tập trung vào các nhóm giải pháp chính:
Về môi trường chính sách : tiếp tục tổ chức thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 22/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 424/QĐ-UBND ngày 18/02/2022 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025”; triển khai thực hiện Kế hoạch số 525/KH-UBND ngày 30/12/2022 của UBND tỉnh về Chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh năm 2023; Quyết định số 17/QĐ-UBQGCĐS ngày 04/4/2023 của Uỷ ban quốc gia về chuyển đổi số; Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Hoàn thiện các quy đinh, quy chế và chính sách tạo môi trường thúc đẩy chuyển đổi số; Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng một số chính sách về chuyển đổi số như: Chính sách cho Tổ chuyển đổi số cộng đồng, chính sách thuê chuyên gia chuyển đổi số, chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng, khai thác dịch vụ công trực tuyến;... rà soát, hoàn hiện các chiến lược, kế hoạch thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, bảo đảm an toàn thông tin mạng.
Về tăng cường nhận thức, phát triển nguồn nhân lực: Tiếp tục tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức về chuyển đổi số, chính quyền số, đô thị thông minh và an toàn thông tin mạng cho đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT, lãnh đạo các sở ban ngành, UBND các cấp; nâng cao kỹ năng chuyển đổi số cho cán bộ công chức cấp xã, Tổ Chuyển đổi số cộng đồng các cấp. Tăng cường thu hút nhân lực chuyển đổi số chất lượng cao; chú trọng nâng cao năng lực đào tạo về CNTT tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh; thực hiện chuyển đổi số hiệu quả trong hệ thống giáo dục các cấp của tỉnh.
Về phát triển các nền tảng, và cơ sở dữ liệu: Chỉ đạo xây dựng cơ sở dữ liệu các ngành, kết nối đồng bộ liên thông phục vụ công tác báo cáo thống kê, chỉ đạo điều hành kịp thời, chính xác. Duy trì nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu dùng chung cấp tỉnh (LGSP), thực hiện liên thông đồng bộ các cơ sở dữ liệu của các ngành, địa phương toàn tỉnh, liên thông đồng bộ các cơ sở dữ liệu quốc gia. Phát triển các dữ liệu chuyên ngành, xây dựng cổng dữ liệu dùng chung, dữ liệu mở của tỉnh. Triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực quan trọng: Giáo dục, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng,…
Từng bước phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, hướng đến xã hội số: Tiếp tục tham mưu các nội dung nhằm triển khai chiến lược kinh tế số, xã hội số theo Quyết định số 411/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; Triển khai Đề án thí điểm mô hình đô thị thông minh tại thành phố Hà Tĩnh và thị xã Kỳ Anh, từng bước phát triển các nền tảng, dịch vụ đô thị thông minh và trung tâm giám sát, điều hành thông minh cấp huyện; Tham mưu triển khai Chương trình Hỗ trợ Doanh nghiệp Chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025 theo Kế hoạch số 388/KH-UBND 20/10/2021 của UBND tỉnh về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số, chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025.
Tăng cường Cơ sở vật chất, bố trí đầy đủ kinh phí thực hiện các dự án xây dựng cơ sở dữ liệu, nền tảng số, an toàn thông tin theo đúng hướng dẫn của các cơ quan trung ương.
Tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chỉ số DTI của tỉnh. Rà soát, đánh giá kết quả xây dựng Chính quyền số hằng năm trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh./.
Theo Cổng TTĐT tỉnh
https://hatinh.gov.vn/vi/chuyen-doi-so-tinh-ha-tinh/tin-bai/17146/ha-tinh-tung-buoc-phat-trien-kinh-te-so-chinh-quyen-so-va-huong-den-xa-hoi-so