Các doanh nghiệp (DN) công nghệ Việt đang có những bước phát triển tích cực khi tham gia thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) tại thị trường nước ngoài.
Đã thành lập 18.286 tổ công nghệ số cộng đồng
Tại Hội nghị giao ban trực tuyến công tác quản lý nhà nước tháng 5/2022 ngày 30/5, Bộ TT&TT cho biết đến 20/5/2022, cả nước có 22/22 bộ, cơ quan ngang bộ và 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số (CĐS), các địa phương còn lại đang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó, 21/22 bộ, cơ quan ngang bộ có trưởng ban là Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; 55/63 tỉnh, thành phố có trưởng ban là Chủ tịch tỉnh; 05/63 tỉnh, thành phố có trưởng ban là Bí thư tỉnh ủy; 01/63 tỉnh, thành phố có trưởng ban là Phó Chủ tịch tỉnh.
Cũng theo Bộ TT&TT, 55/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ban hành nghị quyết/chỉ thị/văn bản của tỉnh ủy/thành ủy về CĐS; 20/22 bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành chương trình/kế hoạch/đề án CĐS giai đoạn 5 năm; 60/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ban hành chương trình/kế hoạch/đề án CĐS giai đoạn 5 năm.
Bên cạnh đó, 16/22 bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành kế hoạch hành động năm 2022; trong đó 05/22 bộ, cơ quan ban hành kế hoạch CĐS; 01/22 bộ, cơ quan ban hành kế hoạch CĐS lồng ghép với kế hoạch phát triển Chính phủ số; 10/22 bộ, cơ quan chỉ ban hành kế hoạch phát triển Chính phủ số.
48/63 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch hành động năm 2022; trong đó 17/63 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch CĐS; 07/63 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch CĐS lồng ghép với kế hoạch phát triển chính quyền số; 24/63 tỉnh, thành phố chỉ ban hành kế hoạch phát triển chính quyền số.
Tính đến ngày 26/5/2022 đã có 26/63 tỉnh, thành phố (tăng 73,3% so với ngày 13/5/2022) thành lập 18.286 tổ công nghệ số cộng đồng (tăng 90% so với ngày 13/5/2022) với 64.432 thành viên tham gia (tăng 113% so với ngày 13/5/2022). Trong đó, Lạng Sơn đã hoàn thành 100% đến cấp xã.
Với vai trò là Cơ quan thường trực Uỷ ban CĐS Quốc gia, trong 05 tháng đầu năm 2022, Bộ TT&TT đã: xây dựng 11 báo cáo chuyên đề hằng tuần về CĐS phục vụ hoạt động của Ủy ban; công bố công khai 55 bài toán CĐS của các bộ, ngành, địa phương và 21 câu chuyện về CĐS của Việt Nam, bao gồm các câu chuyện thành công được thực tiễn kiểm chứng là hiệu quả có thể tham khảo nhân rộng và các câu chuyện sưu tầm có những ý tưởng, giải pháp tiềm năng.
Bộ TT&TT sẽ đánh giá các nền tảng số đạt tiêu chuẩn giải bài toán Việt Nam
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh năm nay, Bộ TT&TT có tuyên bố tổng tiến công về CĐS, có nghĩa là tập trung vào đưa người dân lên các nền tảng số. Theo đó, mỗi tỉnh tập trung chọn 3 - 5 nền tảng số giải các bài toán của tỉnh về tiếp cận y tế, giáo dục, nông nghiệp, sàn TMĐT…
Sau khi chọn nền tảng số thiết thực xong thì cùng tổ công nghệ số cộng đồng vào cuộc đưa người dân lên các nền tảng số, theo đó, có thể đẩy việc sử dụng nền tảng số lên 4 - 5 lần. Bộ TT&TT sẽ có văn bản gửi các tỉnh về chủ trương này và văn bản đánh giá nền tảng số đạt tiêu chuẩn có thể sử dụng giải các bài toán Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: nhiều DN Việt Nam đang nắm bắt cơ hội phát triển tại thị trường Mỹ khi tham gia thúc đẩy CĐS |
Bộ trưởng cũng cho biết nhiều DN Việt Nam đang nắm bắt cơ hội phát triển tại thị trường Mỹ khi tham gia vào việc thúc đẩy CĐS khi quốc gia này đang tập trung CĐS trong 2 năm qua. Doanh thu nhờ thế tăng lên vì đáp ứng nguồn nhân lực CNTT của Mỹ thiếu hụt và nhanh chóng làm ra các giải pháp số đáp ứng yêu cầu. FPT và Viettel đang nắm bắt cơ hội này.
Mới đây, FPT Software, đơn vị thành viên của FPT, đã thành lập văn phòng tại New York, Mỹ nhằm mở rộng cơ hội phát triển, tăng cường khả năng cung ứng dịch vụ công nghệ, triển khai CĐS cho nhóm DN lớn tại khu vực Đông Bắc Mỹ. Dự kiến, trong 2 năm tới, Mỹ sẽ trở thành thị trường lớn nhất của FPT tại nước ngoài, góp phần đưa doanh thu của FPT Software đạt mức tỷ USD vào năm 2023.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh Bộ TT&TT dẫn dắt CĐS nên năm nay, Bộ TT&TT cũng tập trung CĐS nội bộ và phải làm xuất sắc, có nghĩa là mọi hoạt động phải đẩy lên môi trường số và triển khai trợ lý ảo.
Về triển khai trợ lý ảo tại Bộ TT&TT, trong tháng 05/2022, số lượt câu hỏi mà người dùng tương tác với trợ lý ảo từ (01/05 - 20/5/2022) là 3.282 lượt. Trợ lý ảo đã có khả năng hỏi - đáp các nội dung về văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án về CNTT và truyền thông. Số lượng văn bản quy phạm gồm khoảng hơn 300 văn bản luật, nghị định của Chính phủ, thông tư của Bộ TT&TT. Bên cạnh đó, trợ lý ảo cũng cung cấp tri thức về chức năng, nhiệm vụ các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và thông tin cơ bản, công khai về lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ; tri thức về số liệu thống kê trong Sách Trắng, trong các báo cáo chính thức và lịch sử, truyền thống của Bộ, của Ngành.
Trợ lý ảo còn có khả năng hỏi - đáp tri thức chuyên ngành thuộc các lĩnh vực: bưu chính, viễn thông, CĐS, an toàn thông tin mạng, ứng dụng CNTT, phát thanh, truyền hình, báo chí - xuất bản, thông tin cơ sở; và một số tri thức chung ở mức cơ bản./.
Hoàng Linh