Công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 chủ yếu là chuyển đổi số. Chuyển đổi số là phương thức mới để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa...
Chuyển đổi số là phương thức mới để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. (Ảnh minh họa) |
Tại buổi làm việc của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với Bộ Thông tin và Truyền thông vừa qua, Bộ đã đề xuất 3 phương án về mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước trong thời gian tới.
CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ PHƯƠNG THỨC MỚI ĐỂ THỰC HIỆN CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA
Tại buổi làm việc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông góp ý kiến một số nội dung, vấn đề mới và lớn, là những yếu tố rất quan trọng để đảm bảo chất lượng của Đề án và thể hiện dưới dạng Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII sẽ trình Trung ương 6 sắp tới.
Cụ thể, đó là cách tiếp cận, tư duy mới về mô hình, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam trong bối cảnh và điều kiện mới của giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số, phát triển hạ tầng số có quan hệ và vị trí thế nào trong mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam trong kỷ nguyên số; các ngành công nghiệp nền tảng, ngành/sản phẩm công nghiệp ưu tiên trong thời gian tới…
Chuyển đổi số là một phương thức mới để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Công nghiệp hóa chủ yếu là chuyển đổi số sản xuất, chuyển đổi số các nhà máy, thông minh hoá sản xuất, sản xuất thông minh. Hiện đại hóa chủ yếu là chuyển đổi số toàn xã hội, gồm cả chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra cả trong môi trường thực và môi trường số. Công nghiệp hóa là sản xuất, hiện đại hóa là toàn xã hội. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 chủ yếu là chuyển đổi số.
Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất phương án 1: Mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính phủ số có vai trò kiến tạo, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển xã hội số bền vững và bao trùm.
Phương án 2: Chuyển dịch sang mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển xã hội số bền vững và bao trùm.
Phương án 3: Chuyển dịch sang mô hình hiện đại hóa dựa trên đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển xã hội số bền vững và bao trùm.
Bộ cũng đề xuất bổ sung công nghiệp công nghệ số là một trong những công nghiệp nền tảng mà Việt Nam ưu tiên trong thời gian tới, xây dựng Luật công nghiệp công nghệ số để tạo hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển.
TẦM NHÌN CHO CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẾN NĂM 2030
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng nguyên tắc về xây dựng chính sách công nghiệp hóa cần tập trung vào tương lai, tức là tập trung vào những ngành mới, công nghệ mới, mô hình mới. Chính sách phải toàn diện, phải được giám sát liên tục để điều chỉnh kịp thời. Chính sách có thể chỉ ra một số lĩnh vực ưu tiên, thường không quá 10 lĩnh vực. Chính sách công nghiệp hóa thường là khoảng 10 năm vì công nghệ và kỹ thuật liên tục đổi mới.
Công nghiệp hóa thời cách mạng công nghiệp 4.0 rất khác so với thời trước. Thời cách mạng công nghiệp 4.0 là thông minh hóa có thể định nghĩa: công nghiệp hóa Việt Nam tức là chuyển đổi số lĩnh vực sản xuất. Sự tích hợp các công nghệ số như cloud computing (điện toán đám mây), big data (dữ liệu lớn), IoT vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp sẽ tạo ra một sự thay đổi mang tính nền tảng.
Đó là biến sản xuất thành dịch vụ. Tích hợp Internet công nghệ số vào toàn bộ quá trình sản xuất, chuỗi giá trị, bao gồm cả nhà máy với các nhà cung ứng, nhà phân phối, vào toàn bộ chu kỳ sống của sản phẩm, kết nối nhà máy với khách hàng, thu thập thông tin của sản phẩm trong suốt quá trình sử dụng, tạo ra một mô hình nghiên cứu phát triển mở và sáng tạo.
Bộ trưởng khẳng định, đây là một cơ hội hiếm có cho Việt Nam chuyển từ gia công sang làm sản phẩm, chuyển từ cạnh tranh bằng nhân công giá rẻ sang cạnh tranh bằng tạo ra giá trị mới.
Về hiện đại hóa, hiện đại hóa là sự tiến bộ, văn minh do vậy hiện đại hóa là mục tiêu phát triển của hầu hết các quốc gia, diễn ra trên tất cả các lĩnh vực. Hiện đại hóa gồm hai quá trình: một là chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp, hai là chuyển từ công nghiệp sang tri thức. Hiện đại hóa phải dựa trên đổi mới công nghệ và đổi mới thể chế. Bởi vậy chuyển đổi số là từ khóa quan trọng.
Về tầm nhìn cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, Bộ trưởng gói gọn trong cụm từ “Xanh- Số- An toàn”. Theo đó, xanh là môi trường. Số là chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số, chuyển đổi số. An toàn là an sinh xã hội, việc làm, trật tự...